Quên mật khẩu ?

Ví Việt xóa bỏ mọi khoảng cách

13/02/2017


Chức năng của sản phẩm thanh toán này không chỉ dừng lại ở việc chi trả hóa đơn dịch vụ mà còn có thể chuyển khoản trong và ngoài hệ thống; nạp tiền điện thoại, trả nợ thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm trực tuyến, mua sắm qua mạng đến quản lý tài sản, sử dụng các dịch vụ NH… Thậm chí khách hàng có thể là thanh toán tiền đi chợ cóc, uống cà phê…

Khách hàng nữ tìm hiểu sản phẩm Ví Việt tại Vietnam Mobile Day, ngày 25/6/2016 - Hà Nội.

Có công nghệ, NH sẽ “thắng” trong cuộc đua dịch vụ

Thanh toán không dùng tiền mặt được giới tài chính và nhiều chuyên gia đánh giá là cách sử dụng tiền thông minh, vừa tránh được những rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền mặt, lại vừa giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn.

Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều NH không ngần ngại chi mạnh tay cho các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử. Ví Việt của LienVietPostBank là một trong nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến được các NH triển khai trong thời gian gần đây. Bốn tháng trở lại đây, việc thanh toán các loại phí sinh hoạt hàng ngày của bạn Nguyễn Ngân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với sản phẩm Ví Việt của LienVietPostBank.

“Chỉ cần mỗi chiếc smart phone kết nối internet mọi lúc mọi nơi và vài thao tác tôi có thể thanh toán được các loại tiền điện, nước, internet… một cách nhanh chóng. Hơn thế, để sử dụng dịch vụ này, tôi đăng ký online mà không phải ra quầy giao dịch NH đăng ký. Giao diện đơn giản đến mức bố mẹ tôi dù nhiều tuổi cũng có thể thao tác được”, Nguyễn Ngân chia sẻ.

Chức năng của sản phẩm thanh toán này không chỉ dừng lại ở việc chi trả hóa đơn dịch vụ mà còn có thể chuyển khoản trong và ngoài hệ thống; nạp tiền điện thoại, trả nợ thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm trực tuyến, mua sắm qua mạng đến quản lý tài sản, sử dụng các dịch vụ NH… Thậm chí khách hàng có thể là thanh toán tiền đi chợ cóc, uống cà phê…

Theo đánh giá của một chuyên gia về NH, đây là một trong những sản phẩm tạo bước đột phá về công nghệ cũng như dịch vụ NH. Với những tính năng đa dạng của sản phẩm này, theo vị này, Ví Việt là điểm nhấn lớn đối với dịch vụ NH vốn đang khá mờ nhạt trong vài năm trở lại đây. Và hứa hẹn có khả năng bùng nổ xu hướng Ví NH.

Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn cho biết, thị trường đang đón nhận sản phẩm Ví Việt một cách rất tích cực. Mỗi ngày có thêm hàng nghìn tài khoản mở mới sử dụng Ví Việt.

Trong một lần trao đổi bên lề sự kiện, lãnh đạo LienVietPostBank khẳng định, công nghệ đang là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ NH. NH nào chuẩn bị tốt về hạ tầng công nghệ sẽ “thắng” trong cuộc đua dịch vụ ở giai đoạn hội nhập.

Đó cũng là lý do và động lực để LienVietPostBank đã đầu tư nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm Ví Việt - NH di động xóa mọi khoảng cách về địa lý và thời gian, giúp khách hàng có thể làm chủ các tiện ích NH mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị di động có kết nối internet. Ví Việt có thể được coi là giải pháp chiến lược để LienVietPostBank hiện thực hóa tầm nhìn trở thành “NH bán lẻ hàng đầu Việt Nam - NH của mọi người”.

Gỡ bỏ rào cản bất bình đẳng giới

Hiện tại, dung lượng thị trường cho sản phẩm như Ví Việt rất lớn. Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số chưa có tài khoản NH hoặc chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính - NH. Do đó, việc triển khai trên quy mô lớn sản phẩm Ví Việt sẽ cung cấp giải pháp tài chính vi mô đến người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn và các vùng sâu, vùng xa.

Và để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai và lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng của Ví Việt, trong gần một năm qua, LienVietPostBank đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự thảo và khởi động Dự án Ví Việt dành cho phụ nữ.

Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn cho biết, tiềm năng phát triển Ví Việt phục vụ nhu cầu phụ nữ Việt Nam đặc biệt là các bà, các mẹ trong chi tiêu hàng ngày là rất lớn.

Vì thế, dự án này sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán, sản phẩm NH cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính - NH cho phụ nữ Việt Nam; phát triển thêm các điểm ủy thác thanh toán và điểm giao dịch Ví Việt (cửa hàng, siêu thị mini, điểm bán sim - thẻ...) do phụ nữ làm chủ, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chủ hộ kinh doanh.

Với mục đích, ý nghĩa của dự án, cạnh tranh với 32 hồ sơ của Việt Nam trong tổng số 90 hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 từ 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, “Ví Việt dành cho phụ nữ” đã trở thành dự án đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn nhận khoản tài trợ 325.000 USD (khoảng 7,26 tỷ đồng) từ Quỹ Đầu tư Phát triển Liên Hợp quốc (UNCDF).

Mặc dù là nhà tài trợ nhưng Giám đốc UNCDF ông Hussain lại cảm ơn LienVietPostBank đã khởi động dự án sáng kiến đầy ý nghĩa này tại Việt Nam. Bởi khách hàng mà dự án hướng tới là phụ nữ, những người dân vùng sâu, vùng xa - những đối tượng được coi là yếu thế trong xã hội. Đó cũng là lý do trong số hàng trăm hồ sơ nộp, Ví Việt là dự án duy nhất giành được gói tài trợ của UNCDF.

Mặc dù dự án này tham vọng hướng tới 500 nghìn khách hàng là phụ nữ trong 2 năm nhưng ông tin dự án này thu hút thêm nhiều khách hàng nữa. “Thường trong kinh doanh những dự án thành công sẽ có sức lan tỏa rộng hơn mong đợi. Và tôi nghĩ rằng, Ví Việt sẽ không chỉ ảnh hưởng tốt đối với Việt Nam mà cả trong khu vực”, ông Hussain bày tỏ hy vọng.

Bà Đào Mai Hoa, Phó trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao ý tưởng táo bạo của LienVietPostBank khi xây dựng dự án Ví Việt dành cho phụ nữ. Bởi tuy phụ nữ được ví như là cái hom hay ví tiền giữ vai trò quan trọng quản lý chi tiêu trong gia đình, nhưng họ lại không được đánh giá mang lại lợi ích lớn mà rủi ro thì nhiều hơn.

Chưa kể, vấn đề làm sao đo đếm được cung - cầu đối với sản phẩm dịch vụ nhạy cảm giới không phải việc dễ dàng. Theo bà Hoa đây là lý do nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính về nhạy cảm giới chưa đáp ứng được nhu cầu. Mà phụ nữ lại chiếm một nửa trên thế giới.

Sản phẩm Ví Việt với những giải pháp toàn diện giúp cho người phụ nữ tiếp cận dịch vụ tốt hơn đã xóa bỏ những rào cản trên. Đó cũng là lý do mà Hội Liên hiệp Phụ nữ quyết định phối hợp với LienVietPostBank cùng triển khai dự án này.

Không chỉ cung cấp sản phẩm toàn diện liên quan đến phụ nữ mà trong khuôn khổ dự án này LienVietPostBank còn có chương trình giáo dục tài chính giúp cho phụ nữ có kỹ năng, hiểu biết tốt hơn khi tiếp cận cũng như sử dụng dịch vụ tài chính.

Bà Louise Chamberlain - Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam rất mong đợi mô hình kinh doanh thành công để giải quyết nhu cầu về tài chính của phụ nữ cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Sáng kiến Ví Việt rất quan trọng vì theo bà Louise Chamberlain phần lớn mọi người vẫn bị hạn chế tiếp cận dịch vụ tài chính nhất là những người phụ nữ vùng sâu, vùng xa gặp nhiều thách thức do địa lý và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt gia đình và con cái.

“Sáng kiến này đóng góp mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết với Liên Hợp quốc. Phổ cập tài chính là đích dẫn tới nhiều đích khác. Đó là thay vì chỉ một đích tăng khả năng tiếp cận tài chính, thì dự án này còn đóng góp nhiều mục tiêu bền vững: giảm đói nghèo và dễ bị tổn thương cấp hộ gia đình, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện chăm sóc sức khỏe y tế dự phòng, tăng cơ hội việc làm cũng như là nhiều mục tiêu khác… Đây là minh chứng dự án vừa mang lại lợi nhuận kinh tế vừa thúc đẩy phát triển các vấn đề kinh tế-xã hội”, bà Louise Chamberlain nhấn mạnh.

Về phía LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn bày tỏ vinh dự khi Dự án “Ví Việt - Giải pháp thanh toán toàn diện dành cho phụ nữ” giành được khoản tài trợ của UNCDF.

“Thay mặt LienVietPostBank, tôi xin chân thành cảm ơn sự đánh giá và quan tâm của UNCDF đối với việc phổ quát tài chính tại Việt Nam nói chung và đối với dự án của chúng tôi nói riêng. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng khoản tài trợ này vào đúng mục đích và quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra”, ông Sơn nhấn mạnh.

Dự kiến trong vòng 2 năm, từ tháng 9/2016 đến hết tháng 8/2018, dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 10 tỉnh thành, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó sẽ có tối thiểu 500.000 phụ nữ sử dụng Ví Việt cùng 2.500 điểm chấp nhận Ví Việt do người phụ nữ làm chủ sẽ được phát triển mới.


Nguồn bài viết: thoibaonganhang.vn/vi-viet-xoa-bo-moi-khoang-cach-53791.html